Phạm Huy Thông: Loạt tác phẩm Đồng Bào
Bài viết của Joyce Fan
“Kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên,”
– Lời Lạc Long Quân dặn dò các con trước khi từ biệt[1]
Phạm Huy Thông là một họa sĩ đang lên sinh sống ở Hà Nội. Sinh năm 1981, Thông bắt đầu sự nghiệp một họa sĩ từ năm 2001, khi còn là một sinh viên tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Mặc dù theo học về đồ họa, nhưng tác phẩm hội họa đầu tay của anh, một bức tranh trong cuộc thi Tầm Nhìn Châu Á đã nhận được nhiều lời khen, khuyến khích anh theo đuổi hội họa một cách nghiêm túc. Từ thời điểm đó, anh nghiêm túc khám phá nghệ thuật và hiện nay là một họa sĩ chuyên nghiệp.
Thông giữ mình theo kịp dòng phát triển của hội họa khu vực và thế giới, dùng nhiều phương pháp, tìm tòi cách thể hiện nội dung phê phán xã hội, một nhiệm vụ khó khăn trong một môi trường còn chưa thật sự đón nhận nội dung này, và các tác phẩm nghệ thuật phải được kiểm duyệt trước khi ra mắt công chúng. Mặc dù coi tranh vẽ vẫn là trọng tâm sáng tác, nhưng anh cũng đồng thời tìm tòi, khám phá nghệ thuật biểu diễn và sắp đặt như một cách để thách thức những chuẩn mực và hành vi của xã hội.
Sự kiên định và bướng bỉnh đó có thể cảm nhận được qua loạt tác phẩm gần đây của Thông – Đồng bào (những đứa trẻ cùng sinh ra từ một bọc trứng). Một phần của loạt tác phẩm này được trưng bày tại Bui Gallery, đây là lần thứ hai anh trình làng một triển lãm cá nhân lớn. Thông đã làm việc cật lực trong vòng 2 năm để vẽ 23 tác phẩm, và kết quả là loạt tác phẩm phản ánh sự tự tin và tinh tế trong việc thể hiện kiến giải của anh về xã hội Việt Nam.
Đồng bào tập trung vào mối liên kết con người Việt Nam như một nhóm dân tộc đồng nhất, một tình cảm văn hóa bắt nguồn từ truyền thuyết hình thành giống nòi. Thông đã hòa tình cảm ấy vào trong những quan sát về những tác động của sự phát triển kinh tế và chính trị lên xã hội kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Thông cũng đặt ra câu hỏi về người Việt Nam, trước hết là chống lại những ám ảnh bạo lực mà Việt Nam đã trải qua trong quá khứ, và sau đó là đặt Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ kinh tế hiện tại, đã dần biến chuyển từ nền kinh tế bế quan tỏa cảng thành một nền kinh tế theo định hướng thị trường trong 25 năm qua.
Truyền thuyết hình thành dân tộc – Lạc Long Quân và Âu Cơ
Khẳng định đặc điểm văn hóa và dân tộc khi giải thích ý nghĩa từ “đồng bào”, Thông nhấn mạnh rằng người Việt Nam gắn kết với nhau bằng mối quan hệ thân thích dựa trên niềm tin rằng chúng ta ra đời từ cuộc gặp gỡ của Lạc Long Quân và Âu Cơ:
“Từ đó, người Việt Nam thường gọi nhau là đồng bào, nghĩa là những đứa trẻ cùng được sinh ra từ một bọc trứng. Đó là cách chúng ta nhớ về truyền thuyết hình thành dân tộc mình. Câu chuyện cũng mang theo thông điệp về sự gắn kết, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là anh chị em cùng chung một dòng máu, luôn phải yêu thương nhau, chăm sóc, quan tâm đến nhau.”
Tại đây, Thông thu hút sự chú ý vào truyền thuyết hình thành của dân tộc nói về 100 người con, tương ứng với số họ tên Việt Nam còn tồn tại, được sinh ra từ cuộc gặp gỡ của Thần Rồng – Lạc Long Quân, và Tiên Núi – Âu Cơ[2]. Lịch sử và văn hóa Việt Nam được bắt nguồn từ truyền thuyết này, qua nhiều thế hệ đã gắn chặt với mối liên kết đó và định hình đặc điểm dân tộc. Truyền thuyết được truyền miệng từ đời này sang đời khác, mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng những nét cơ bản vẫn giống nhau. Họ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đầy ý nghĩa về thế giới quan dưới góc nhìn văn hóa và cá nhân[3]. Thông đã thể hiện mối quan hệ này một cách hình tượng thông qua hình ảnh hài nhi với cuống rốn vẫn dính liền vào bụng. Đứa trẻ được kết nối với những đứa trẻ khác bằng sợi dây rốn, thể hiện khái niệm đồng bào.
Thông cảm thấy xót xa rằng với lịch sử nhiều chiến tranh qua bao thế hệ, không có gì đáng ngạc nhiên khi các truyền thuyết thường có nội dung liên quan đến sự thay đổi và chia cắt. Thậm chí ngay cả trong truyền thuyết về sự hình thành dân tộc cũng nhắc đến nỗi đau của sự chia cắt. Thông tâm sự:
“Mặc dù có truyền thuyết hình thành dân tộc rất ý nghĩa, không thể phủ nhận rằng đất nước Việt Nam có một chiều dài lịch sử với những cảnh chém giết, ngược đãi, bè phái, và thậm chí ngày nay trong xã hội vẫn còn đó sự chia rẽ, bất hòa giữa các phe phái.”
Về cuộc chiến tranh chống Mỹ
Với cha mẹ làm phóng viên, Thông lớn lên trong môi trường đầy ắp các cuộc tranh luận về những vấn đề thời sự. Anh đã nhận thức được những thay đổi về mặt chính trị, xã hội ở Việt Nam từ khi còn bé, và mặc dù không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ[4], Thông đã cảm nhận được tầm quan trọng của cuộc chiến tranh ấy qua bố mẹ anh. Anh muốn thể hiện cho mọi người thấy sự tuyệt vọng, nỗi đau, và sự sợ hãi mà chiến tranh đã mang lại.
“Cuộc chiến tranh chống Mỹ luôn được nhớ đến một cách rất sống động, và thậm chí đã trở thành bất hủ qua những bức ảnh được công bố trên báo và tạp chí. Ví dụ, những bức ảnh của Hugh van Es về cuộc trốn chạy trước sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn chụp một hàng người chen lấn, xô đẩy nhau leo lên trực thăng tháo chạy trên nóc tòa nhà Tổng hành dinh CIA của Mỹ tại Sài Gòn là những hình ảnh không thể nào quên.”
Tuy nhiên, Thông cũng rất nghiêm túc nhận thức rằng chiến tranh không phải là đề tài anh hướng tới. Anh đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa lịch sử của đất nước những năm gần đây và tác động của nó đến thế hệ của những người như anh. Thế hệ của anh là thế hệ đang được hưởng thụ thành quả của nền kinh tế mở có được từ chính sách Đổi Mới của đất nước từ năm 1986. Thị trường được cải cách cho phép các doanh nghiệp tư nhân hoạt động, từng bước đưa đất nước phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Điều anh quan tâm chính là những vấn đề xã hội do sự phát triển kinh tế mang lại. Nhưng làm thế nào để phân biệt các vấn đề này:
“Trở lại với bức ảnh về cuộc tháo chạy bằng máy bay trực thăng, tôi không thể không liên tưởng đến hình ảnh chúng ta hiện nay đang hừng hực leo lên các nấc thang kinh tế. Tôi nhìn thấy sự giống nhau giữa hai hình ảnh của ngày ấy và bây giờ, và nhìn thấy cái cách mà chúng ta đấu tranh để tồn tại trong cả hai trường hợp đó. Chính điều này đã đem lại cho tôi ý tưởng lấy bức ảnh của van Es làm cảm hứng cho bức tranh của mình.”
Thông đã hoàn thành tác phẩm đầu tiên của loạt tranh Đồng bào đúng vào ngày 30 tháng 4, trùng với ngày chụp bức ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn năm 1975. Trong bức tranh được đặt tên là The Fall of Sai Gon (Sự sụp đổ của Sài Gòn), máy bay trực thăng được thay bằng xe ô tô Roll Royce với cánh quạt vẫn quay nhanh, và tòa nhà Tổng hành dinh CIA được thay thế bằng những cọc tiền 100 đô la Mỹ, hai biểu tượng của địa vị kinh tế trong xã hội ngày nay. Có thể nhận thấy chiếc xe của Thông không hề mời mọc một ai bởi cửa xe đóng chặt và các cửa sổ đều đóng kín. Màu nền được tô bằng một màu hồng dịu dàng một cách cố ý gợi lên mầu sắc ở phía trong bụng mẹ, cho thấy một không gian hạn chế chỉ dành cho hành động ích kỷ và tự đặt mình vào trung tâm.
Cũng sử dụng phương pháp này, Thông đã vẽ một vài bức tranh khác trong loạt tác phẩm này dựa trên một số bức ảnh biểu tượng của chiến tranh. Sử dụng những bức ảnh biểu tượng của chiến tranh này, Thông nhận ra bản thân anh, thế hệ của anh, và xã hội hiện nay chính là sự mở rộng từ những người đã sống sót qua các biến cố của lịch sử:
“Tôi không thể quên được hình ảnh một tướng lĩnh miền Nam bắn chết một chiến binh Việt Cộng trong bức ảnh của Eddie Adams chụp trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Bức ảnh đã làm dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh của công chúng, và Adams đã nhận được giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh này. Trong bức tranh của mình, tôi đã thay thế khẩu súng bằng một khẩu súng đồ chơi trên tay một đứa trẻ đang chĩa vào bạn mình. Tôi không thể không nghĩ rằng trong mỗi chúng ta đều có những suy nghĩ bạo lực, thậm chí từ khi còn nhỏ.”
Thông đã vẽ bức tranh Purple Sky hay Bầu trời tím lấy cảm hứng từ một bức ảnh nổi tiếng khác chụp một cô bé trần truồng đang chạy trốn sau một vụ nổ bom napan. Anh cảm thông mới nỗi đau và sự tổn thương của cô bé, và đã vẽ lại cô bé trong đúng tư thế đó, đang chạy trốn với bàn tay dang rộng. Anh chia sẻ sự đồng cảm với nỗi sợ hãi mà cô bé phải chịu đựng.
Một sự kiện khác không thể quên trong chiến tranh là hình ảnh tự thiêu của sư thầy Thích Quảng Đức.
“Tôi cũng đã vẽ một bức tranh lấy cảm hứng từ Thích Quảng Đức, một sư thầy đã tự thiêu để phản đối chính sách về tôn giáo của chính quyền miền Nam Việt Nam, cùng với hình ảnh những chiếc xe tăng và tàu chở đầy người. Qua những bức ảnh này, tôi muốn chỉ ra rằng những vấn đề, những hoàn cảnh trong quá khứ vẫn có mối liên quan đến chúng ta ngày nay thông qua mối liên hệ đồng bào đã liên kết chúng ta lại thành dân tộc Việt Nam.”
Có lẽ ghi nhớ những hình ảnh và giây phút biểu tượng cho cuộc chiến chống Mỹ và sử dụng chúng làm cảm hứng cho các bức tranh của mình là cách Thông thể hiện lòng tôn kính của mình đối với những người đã chiến đấu, đã chịu đựng, và đã hy sinh cho đất nước. Anh biết anh không bao giờ có thể hiểu được tất cả những gì mà những người còn sống sót đã trải qua, nhưng anh nhận thức được chiến tranh là một phần không thể tách rời của mỗi người Việt Nam.
Ý nghĩa của “Tự do”
Một bộ tranh khác trong loạt tác phẩm Đồng bào lấy cảm hứng từ Tượng Nữ thần Tự do ở thành phố New York. Biểu tượng của nền văn hóa Mỹ này là một biểu tượng về tự do và độc lập được công nhận trên toàn cầu.
“Tôi muốn khám phá ý nghĩa của tự do trong một xã hội như của chúng ta, cũng như tìm hiểu tự do là như thế nào. Như các bạn đã biết, được tự do không có nghĩa là bạn có thể làm bất kỳ điều gì bạn muốn. Luôn luôn tồn tại những hạn chế, và tự do thật sự là hiểu được những giới hạn đó. Và tất nhiên, những giới hạn đó có thể không được thừa nhận.”
Tự do của Thông là hình ảnh một đứa trẻ với những bàn tay mọc lên từ trên đỉnh đầu, thay cho vương miện với những chiếc đinh nhọn như trong hình tượng gốc. Trong các bức tranh, đứa trẻ này đang được tập hợp lại, chỉ huy, hướng dẫn, một hình ảnh ám chỉ kết cấu xã hội chủ nghĩa định hình cái cốt lõi của xã hội Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong một bức tranh, bàn tay được đặt giữa người đứa trẻ lại là những chiếc loa[5]. Những chiếc loa này rất phổ biến trong quá khứ nhưng hiện nay ở Hà Nội, chúng không còn nhiều như vậy nữa. Qua những chiếc loa này, thông báo được phát đi hàng ngày, từ những thông báo liên quan đến đời sống hàng ngày như các buổi khám chữa bệnh sẽ diễn ra khi nào và ở đâu, đến những chiến dịch nhằm mục đích sửa đổi những hành vi cá nhân và xã hội không được trông đợi. Đứa trẻ cũng đang cầm trên tay một chiếc loa phóng thanh, và rõ ràng là đang ra mệnh lệnh.
Trong bức tranh Playing with Kites hay Chơi với diều, đứa trẻ được vẽ với rất nhiều tay gợi liên tưởng đến hình ảnh vị thần nhiều tay giống như tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Đứa trẻ thậm chí có nhiều chân và giữ vị trí trung tâm, từ đó cuống rốn tách ra và liên kết với những đứa trẻ khác. Từ bức vẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ này cùng với những bức tranh “tự do” khác, Thông muốn nói về mối liên kết giữa con người trong xã hội, và thể hiện thông qua hình ảnh sự phức tạp và trạng thái động của trật tự xã hội.
Hãy tham gia tiệc tùng và ăn nhậu …
Trong giai đoạn cuối cùng thực hiện loạt tác phẩm Đồng bào, Thông muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về hành vi và tâm lý bầy đàn. Áp lực ngang bằng nhau, điều kiện xã hội và cảm giác an toàn trong đám đông xác định, ở một chừng mực nhất định, một nhóm người ngẫu nhiên tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Những mối quan hệ xã hội đó là thành phần quan trọng trong xã hội, trong đó các cách thức như chuẩn mực, tác động, vai trò, mối quan hệ và sự cần thiết phải có liên quan tác động đến hành vi ứng xử.
Việt Nam ngày nay là một sản phẩm của thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, hậu quả của sự kiện Liên bang Xô Viết tan rã vào những năm cuối của thập niên 1980. Sự kiện này châm ngòi cho sự phát triển của “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở các nước xã hội chủ nghĩa vốn bị hạn chế tiếp cận với bên ngoài nay đã mở cửa bước ra thế giới, kêu gọi đầu tư kinh tế và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh những thay đổi đáng kể về mặt chính trị, xã hội mà Việt Nam cũng được hưởng lợi trong hai thập kỷ qua, vẫn còn đó những hạn chế về tự do thể hiện và ngôn luận. Thông muốn mọi người ghi nhớ tính hai mặt này. Qua các bức vẽ của mình, Thông cố gắng chỉ ra một mặt là phạm vi của sự mâu thuẫn trong tư tưởng, và mặt khác là lòng trung thành mù quáng.
Khởi đầu cho các bức vẽ thuộc nhóm cuối cùng này là ý tưởng về tuyên truyền trong các tác phẩm thuộc xã hội chủ nghĩa hiện thực. Các tác phẩm xã hội chủ nghĩa là những tác phẩm được phê duyệt có nhiệm vụ chung là biểu dương chế độ. Chúng thường dựa trên ý tưởng về một sự tôn thờ thành kính trong đó một biểu tượng được công chúng tôn thờ, kính trọng sẽ là động lực. Và như trong các nhóm, luôn tồn tại một người tác động, động viên và kiểm soát tất cả. Sử dụng ý tưởng này trong tác phẩm The Celebrity hay Người nổi tiếng, Thông đã vẽ lên hình ảnh một cá nhân nổi tiếng thu hút công chúng. Mặc dù sự ngưỡng mộ, kính trọng được thể hiện qua công chúng nhưng gánh nặng mà những người nổi tiếng phải mang trên vai thì không ai hay biết, cũng có thể là bị lờ đi một cách có chủ đích. Thông đã vẽ hình ảnh một đứa trẻ bị gông lại, như một người mà vị trí của họ đã bị kiểm soát, định đoạt từ trước mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Trong một số bức tranh khác, người xem có thể thấy một nhóm người đang đi theo hướng mà người thủ lĩnh đã vạch sẵn, và trong một số bức khác, nhóm người đó lại đang bắt chước hành động của thủ lĩnh.
Cũng như các bức tranh theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa, sinh ra thường để phục vụ công chúng, và thường lấn át người xem bởi tính kích thước lớn, tính hoành tráng trong nội dung và trong cách các hình ảnh được thể hiện. Thông đã đưa những ý tưởng về tính hoành tráng này trên những bức tranh sơn dầu khổ lớn, đặc biệt là trong bức tranh cuối cùng của loạt tác phẩm này, The Last Party hay Bữa tiệc cuối cùng. Bức họa này được dựa trên tác phẩm The last supper (Bữa tối cuối cùng) và đã miêu tả một cách sinh động không khí vui vẻ của buổi tiệc. Bằng phong cách đặc trưng của mình, Thông đã đưa vào tác phẩm tính châm biếm và hài hước bằng cách vẽ rất nhiều món ăn khác nhau trên chiếc bàn dài. Anh đã hướng sự chú ý của người xem vào sự tha hóa đang diễn ra trong văn hóa đang được gọi dưới cái tên sự tiến bộ:
“Tôi muốn kết thúc loạt tác phẩm Đồng bào bằng một bức tranh khổ lớn. Tôi muốn nó là một điểm nhấn, đỉnh điểm của những suy nghĩ, góc nhìn, cách quan sát về xã hội mà tôi đang sống. Tôi quyết định làm một bức vẽ có kích thước hoành tráng, là bức vẽ cuối cùng của loạt tác phẩm Đồng bào.”
“Tôi dùng ý tưởng Bữa tối cuối cùng bởi trước hết đó là tác phẩm về một nhóm người tụ tập tại một địa điểm. Tất nhiên ý tưởng về việc đưa đồ ăn vào tác phẩm là quan trọng đặc biệt là đối với người châu Á, những người rất yêu quý đồ ăn. Chúng ta vẫn luôn nói về thức ăn, tiếp theo sẽ ăn gì, ăn ở đâu là ngon nhất v.v.. Ý tưởng đưa các món ăn thể hiện trên tranh cho phép tôi tóm tắt những gì mình quan sát được, vì vậy tôi đã vẽ thức ăn đang ăn trên bàn nhưng đều là những đồ tiêu hủy, những thứ kinh khủng nhất, những món ăn không ai muốn ăn.”
Hành trình của Thông sau hai năm kết thúc bằng Bữa tiệc cuối cùng. Đây dường như là phần thưởng, nhiệm vụ trọng tâm bởi anh luôn suy nghĩ về mối quan hệ thân thích giữa con người Việt Nam, cùng với ý tưởng về dân tộc như một đặc điểm nhận dạng, và sự tác động của lịch sử lên sự thay đổi về mặt tinh thần. Chúng ta nóng lòng đón chờ hành trình tiếp theo của Thông…
———————————-
[1] Durand, Maurice and Nguyen Tran Huan, An Introduction to Vietnamese Literature, New York: Columbia University Press, 1985, 5
[2] Truyền thuyết kể rằng, Lạc Long Quân đến vùng đồng bằng sông Hồng, hiện nay là miền Bắc Việt Nam, diệt trừ yêu quái lộng hành. Người cho dân chúng định cư và dạy họ trồng lúa. Trước khi quay về biển, người đã dặn dò dân chúng gọi người mỗi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Một ngày, quân xâm lược phương Bắc tràn xuống vì nhận thấy vùng đồng bằng rộng lớn không có người cai quản nên tự phong mình là người cai quản. Lạc Long Quân đã mưu lược đuổi quân xâm lược và đưa được Âu Cơ về núi Tản Viên làm vợ. Không cứu được Âu Cơ, quân xâm lược buộc phải rút về. Sống cùng Lạc Long Quân, Âu Cơ hạ sinh được một trăm người con trai. Tuy nhiên, Lạc Long Quân là giống rồng của biển còn Âu Cơ lại là tiên trên núi. Hai người không thể dung hòa được sự khác biệt nên đã chia mỗi người 50 người con. Trước khi chia tay, Lạc Long Quân đã hứa với các con rằng họ sẽ không bao giờ quên nhau.
[3] Leeming, David A., The World of Myth: An Anthology, New York: Oxford University Press, 1990, 16.
[4] Thế giới thường biết đến với cái tên Cuộc chiến tranh Việt Nam
[5] Những chiếc loa này thường được treo trên cột điện khắp thành phố và hiện nay vẫn có thể bắt gặp ở một vài nơi trên địa bàn Hà Nội.